Báo cáo Bất động sản Công nghiệp Quý IV/2020: Vai trò thiết yếu của Logistics trong phát triển công nghiệp ở Việt Nam

Báo cáo cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan về tình hình phát triển bất động sản công nghiệp và hệ thống logistics Việt Nam, đồng thời phân tích và tư vấn chuyên sâu về định hướng phát triển hệ thống logistic nói chung và nhà kho/trung tâm logistics nói riêng trong thời gian tới.

Cơ hội cho Việt Nam khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mở đường cho công cuộc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng loạt các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới có nhà máy và dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc đang tìm điểm đến mới nhằm tránh hàng rào thuế quan khi xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.  

Việt Nam là một trong những nền kinh tế nằm trong danh sách lựa chọn tiềm năng của các “ông lớn” trong ngành điện tử, dệt may với nền chính trị ổn định, cơ chế thúc đẩy hợp tác và đầu tư nước ngoài thuận lợi. Ngoài ra trong bối cảnh dịch bệnh năm 2020, Việt Nam lại càng được ưu tiên lựa chọn do kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế không bị đóng băng.

Tuy nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam thấp nhất giữa các quốc gia cạnh tranh trực tiếp dòng vốn dịch chuyển đầu tư sản xuất như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Chi phí logistics rất cao, ước tính gần bằng 20% giá trị GDP cả nước. Do đó việc đầu tư để thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng và logistics là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.

Doanh nghiệp nước ngoài tận dụng cơ hội đầu tư mạnh tay vào thị trường bất động sản Logistics

Nắm bắt xu hướng phát triển này, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển hệ thống nhà kho/trung tâm logistics tại Việt Nam. Trong đó phải kể đến một số dự án nổi bật như: GLP liên doanh với SEA Logistic Partners (SLP) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản logistic, tập trung vào thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh  và các tỉnh lân cận, với tổng giá trị vốn đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD; LOGOS thành lập liên doanh tại Việt Nam (Logos Vietnam Logistic Venture), đầu tư ban đầu khoảng 350 triệu USD phát triển cơ sở hậu cần tại các khu vực TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; GawNP đầu tư phát triển dự án phức hợp logistics cho thuê tại Thái Nguyên với giá trị đầu tư lên đến 200 triệu USD.

Báo cáo Bất động sản Công nghiệp Quý IV/2020

Tiếp nối các nội dung của Báo cáo Bất động sản Công nghiệp Quý III/2020, HOUSELINK đưa ra Báo cáo Bất động sản Công nghiệp Quý IV với góc nhìn chuyên sâu về mối liên kết giữa bất động sản công nghiệp và hệ thống logistics,  phân tích chi tiết về sự ràng buộc hai chiều giữa logistics và chuỗi cung ứng ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Báo cáo Bất động sản Công nghiệp Quý IV/2020 gồm các nội dung chính: Thực trạng phát triển của hệ thống Logistics và tác động của nó lên sự phát triển của hoạt động sản xuất; Phân tích hệ thống nhà máy, nhà xưởng sản xuất đang hiện hữu, dự báo xu hướng định hình vị trí phát triển hệ thống Logistics nói chung và các nhà kho, trung tâm Logistics nói riêng.

Kết

Bối cảnh quốc tế dịch chuyển phức tạp, cùng các Hiệp định Tự do Thương mại lần lượt có hiệu lực trong năm 2020 đã buộc cả Nhà nước và Doanh nghiệp phải cùng tìm ra con đường tăng sức cạnh tranh của thương hiệu quốc gia Việt Nam trên bản đồ thế giới. Đầu tư cơ sở hạ tầng và Logistics là hướng đi tất yếu, đem lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế nói chung và công nghiệp chế tạo nói riêng.